Đại lễ Phật Đản trên khắp thế giới
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak 2014) sẽ diễn ra tại Chùa Bái Đính, Ninh Bình (Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á) từ ngày 7-11/5 với chủ đề 'Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc'.
Phật Đản là sự kiện mang tính quốc tế và được coi là ngày nghỉ lễ tại nhiều nước như Thái Lan, Sri Lanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia... Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng. Ngoài ra mọi người còn thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người kém may mắn trong cộng đồng.
Việt Nam
Tại Việt Nam, Phật đản đây không phải ngày nghỉ lễ nhưng năm nay sẽ là lần thứ hai nước ta đăng cai Đại lễ Phật đản Vesak. Sau lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) từ ngày 13-17/5/2008 (ngày 9-13/4 âm lịch), ngày lễ này ngày càng được Phật tử Việt Nam tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước xe hoa mừng sự giáng sinh của Đức Phật và các hoạt động từ thiện khác.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự tính Đại lễ Vesak năm nay tổ chức tại Ninh Bình sẽ đón 10.000 người, trong đó có 1.500 quan khách từ 100 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.
Đại lễ Phật Đản tại Việt Nam năm 2008.
Ấn Độ
Vào ngày Phật đản, văn phòng chính phủ, bưu điện và ngân hàng đều đóng cửa. Các cửa hàng và doanh nghiệp có thể đóng cửa và thường giảm thời gian làm việc. Nhiều Phật tử đến chùa để nghe các nhà sư giảng đạo. Họ có thể dành thời gian cả ngày ở một chùa hoặc đi tới lễ bái nhiều nơi và thường ăn chay trong thời gian diễn ra Đại lễ. Nhiều người còn thực hiện các hành động từ thiện như bố thí cho người ăn mày, giúp đỡ người nghèo, thực hiện phóng sinh.
Myanmar
Ngày Phật đản cũng gọi là ngày của Kason. Kason là tháng thứ 2 trong 12 tháng theo lịch Myanmar. Đây là tháng nóng nhất trong năm, nên trong khuôn khổ lễ hội, người dân nơi đây với lòng thành kính đặt những chậu nước tinh khiết trên đầu đội đến những tự viện tưới xuống cây Bồ đề. Họ tưới cây Bồ đề để cảm ơn loài cây này đã che chở đức Thế Tôn trong những ngày thiền định trước khi chứng đạo.
Đại lễ Vesak 2014 tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, Phật giáo từng là tư tưởng chủ đạo cho chính quyền và người dân trong một số triều đại. Nhưng ngày nay, Phật giáo không còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Trung Quốc. Lễ Phật đản được tổ chức trong khuôn viên tự viện và không còn được quan tâm rộng rãi như trước.
Thái Lan
Thái Lan là quốc gia Phật giáo nhiều lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Tại Thái Lan, Vesak là ngày lễ mang tính quốc gia và được gọi là Visakha Bucha.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, Phật giáo truyền đến từ cuối thế kỷ thứ 6, là tôn giáo chính trong giai đoạn trung và đầu cận đại. Ngày nay, vai trò của tôn giáo này ít ảnh hưởng đến đời sống người dân. Lễ Phật đản thường gắn liền với lễ hội hoa anh đào, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tự viện và trong quần chúng Phật tử.
Đại lễ Phật Đản được coi là một trong những ngày trọng đại nhất của Phật tử.
Sri Lanka
Tại Sri Lanka, Phật giáo là quốc giáo. Thời gian lễ hội Vesak, người dân được nghỉ lễ. Ngoài những buổi lễ tụng kinh và cầu nguyện mang tính tôn giáo, lễ hội Vesak còn có nhiều chương trình mang tính lễ hội dân gian. Trong những ngày lễ hội, tất cả quán bia rượu và lò giết mổ phải đóng cửa. Người dân nước này phóng sinh một số lượng lớn thú vật, chim, cá… Việc bố thí cũng được xem rất trọng, họ thường đến thăm và phát quà cho trẻ mồ côi và người già neo đơn. Người dân thường mặc áo trắng và đi đến tu viện và tham gia vào các nghi lễ truyền thống tại đó, nhiều người ở lại đền thờ cả ngày và thực hành Bát giới.
Trong thời gian này, món chay được bày bán rất nhiều nơi. Hầu hết tư gia Phật tử đều trang trí cờ Phật giáo, lồng đèn và đèn nến… Những nơi công cộng diễn ra nhiều chương trình lễ hội. Trong đó chương trình rước và diễu hành xá lợi gây ấn tượng và tạo nên xúc cảm nhất đối với người tham dự. Xá lợi Phật được tôn trí trên lưng những chú voi được trang điểm lộng lẫy với sắc màu mang phong cách Nam Á, theo sau là hàng nghìn Phật tử, diễu hành khắp những đường phố.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, ngày Phật đản là ngày lễ quốc gia. Lễ hội Phật đản diễn ra tại nhiều nơi công cộng, và trên những đường phố. Trưng bày và diễu hành lồng đèn là một trong những chương trình ấn tượng và gây nhiều xúc cảm nhất.
Riêng tại thủ đô Seoul, ước tính có khoảng trên 100.000 lồng đèn với nhiều hình dáng và màu sắc đã được trưng bày và biểu diễn trên những đường phố, và dự đoán sẽ có khoảng 300.000 lượt người trong và ngoài nước tham dự lễ hội này.
"Phật Đản là ngày kỷ niệm Đức Phật sinh ra tại vườn Lumbini vào năm 624 TCN và diễn ra vào ngày 15/4 âm lịch hàng năm. Theo truyền thống Phật giáo Đông Á, ngày này chỉ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên theo Phật giáo Nam truyền và Tây Tạng, ngày này là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật Đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn). Ngày nay người ta thường biết đến Phật Đản qua tên gọi Vesak.
Theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54 chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc. Những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi."
Theo: Anh Minh