Sơ lược về Cửa Lò:
Cách thành phố Vinh 16km về phía Đông, Thủ đô Hà Nội gần 300km về phía Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh 1.400km về phía Nam. Với bờ biển dài 10.2km và các điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, Cửa Lò đang trở thành điểm đến của những du khách trong và ngoài nước.
Bãi biển Cửa Lò trong chiều dài lịch sử tự nhiên vốn là một bãi biển dài, đẹp với dải cát trắng và ánh nắng vàng. Đó cũng là nơi cư trú của các làng chài và nơi tắm biển, nghỉ ngơi, dạo chơi của cộng đồng dân cư quần tụ còn thưa thớt cho đến cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên cho đến lúc đó, Cửa Lò vẫn chưa phải là nơi nghỉ mát, tắm biển thực sự quan trọng của các dân cư đất Việt nói chung. Bởi lẽ đó chưa phải là nhu cầu bức thiết của cộng đồng cư dân sinh sống trên địa bàn và dọc mảnh đất Miền trung này. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến Nghệ An. Vinh trở thành một trung tâm công nghiệp, nơi tập trung đông đảo công nhân và cả bộ máy hành chính với đội ngũ viên chức người Pháp, người Việt. Sự thay đổi xã hội đó và cả với những vị thế về cảnh quan thiên nhiên là lý do chủ yếu để người Pháp chọn Cửa Lò làm nơi xây dựng nhà nghỉ vào đầu thế kỷ XX. Cùng với việc công nghiệp hóa Thành phố Vinh – Bến Thủy, người Pháp cho xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh: Đường Vinh đi Cửa Hội, Cửa Lò và các điểm nghỉ dưỡng với cách bố trí đảm bảo an toàn và ý nghĩa danh thắng. Bên cạnh các khu du lịch lần lượt ra đời trong thời gian đó: SaPa (1903), Mẫu Đơn (1906), Tam Đảo (1904), Ba Vì (1906), Sầm Sơn (1907), Bạch Mã (1906), Bà Nà (1904)…Ngày 05/06/1907 đã lấy làm ngày ra đời của du lịch Cửa Lò. Điều này khẳng định các giá trị vốn có và lâu đời của du lịch Cửa Lò để có các giải pháp khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Cửa Lò thành đô thị du lịch thật sự theo đúng tiêu chuẩn.
Trải qua hơn 100 năm với những thăng trầm của lịch sử, chỉ chừng 20 năm qua Cửa Lò mới thực sự được đánh thức và đang dần khẳng định vị thế của mình trên lộ trình phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng. Với cơ sở vật chất hạ tầng hiện có 212 nhà nghỉ, khách sạn, gần 6000 phòng nghỉ đủ phục vụ cho trên 1.3 vạn khách nghỉ qua đêm. Nhờ thế năm 2007, Cửa Lò đã đón trên 1.3 triệu lượt khách trong đó có 811 ngàn khách lưu trú. Tỷ trọng kinh tế du lịch chiếm 64.3%
Hiện nay đến với Cửa Lò, quý khách có thể đi bằng đường bộ,đường sắt, đường thủy, đường hàng không đều rất thuận lợi. Từ Cửa Lò, tham gia vào một trong các tour du lịch hấp dẫn khác ở trong và ngoài Thị Xã như: Kim Liên (Nam Đàn), Quảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh), rừng nguyên sinh Pù Mát (Con Cuông), Lạc Xao (Lào) và Thái Lan. Với những giá trị vốn có và cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, Cửa Lò có thể phát triển nhiều loại hình du lịch với sắc thái ý nghĩa riêng.
Du lịch sinh thái: Quý khách có thể đến thăm Đảo Ngư, Đảo Mắt, khu du lịch sinh thái Cửa Hội, Hang Bua, nước khoáng Kim Sơn. Lộ trình du lịch này đã được xây dựng lộ trình, quý khách có thể đến thăm các điểm du lịch đem lại cho du khách sự thoải mái khi hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên Cửa Lò.
Du lịch tâm linh: Du khách có thể đến thăm chùa Song Ngư, chùa Lô Sơn, đền Vạn Lộc, đền Thu Lũng, các khu di tích, khu lưu niệm. Qua đó du khách sẽ cảm nhận được các giá trị văn hóa của Cửa Lò được vun đắp qua hàng trăm năm qua.
Ngoài ra, các loại hình như: Du lịch thể thao, du lịch du thuyền, du lịch làng nghề sẽ giúp du khách hiểu thêm về đất và người Cửa Lò.
Đến với Cửa Lò, du khách không thể bỏ qua việc thưởng thức các món ẩm thực mang hương sắc vùng biển Miền Trung. Đó là các món được chế biến từ hải sản: Nước mắm hạ thổ, mọc cua bể, các món mực, cá giò 7 món, ghẹ hấp me, cháo nghêu, cháo lươn và đặc biệt hơn là món ăn rất dân dã, rất riêng của người xứ Nghệ: Kẹo Cu đơ.Du lịch Cửa Lò, với 100 năm hình thành và phát triển đang trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là ngành quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Cửa Lò nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Lịch sử tên gọi:
Tên gọi Cửa Lò có nhiều cách giải thích như:
Đó là xuất phát từ cách gọi chệch đi của từ Cửa Lùa trước đây. Do chỗ con sông Cấm chảy ra biển giữa một bên là dãy núi của xã Nghi Thiết, một bên là dãy núi Lô Sơn thuộc phường Nghi Tân - Cửa Lò cho nên khi gió biển thổi vào cũng như gió từ hướng tây thổi ra biển, người ta thấy nơi đây như một cửa gió lùa. Sự cảm nhận này được đặt tên cho cửa biển và vì thế nó có tên là Cửa gió lùa. Từ cửa gió lùa người ta gọi gọn lại là Cửa Lùa. Về sau Cửa Lùa được gọi thành Cửa Lò. Khi người Pháp đến đây, địa danh này được văn tự hóa như hiện nay. Cách giải thích thứ hai cho rằng, Cửa Lò là địa danh gốc Malayo - Polinêsian với nghĩa là cửa sông. Trong ngôn ngữ Malayo - Polinêsian từ kưala để gọi tên một con sông đổ ra biển. Dần dần, danh từ kưala với nghĩa cửa sông chuyển thành danh từ riêng kưala/kưalo và địa danh hóa thành Cửa Lò. Một cách giải thích dân gian cũng khá thuyết phục về địa danh Cửa Lò là do vùng đất này ngày xưa là vùng biển tiến, cư dân nơi đây thường làm nghề nấu muối, ánh lửa phát ra từ những lò nấu muối tạo thành những ngon đèn hải đăng cho tàu thuyền ra vào cửa sông Cấm, từ cửa lò theo cách giải thích này là cửa lò muối, dần quen biến đổi gọi tắt là Cửa Lò.
Cửa Lò mảnh đất này còn được gọi là nơi tụ hội của nhiều núi và đảo như: Núi Lò (Lô Sơn), Núi Cờ, Núi Voi, Núi Mão, Núi áo, Núi Yên ngựa, Núi Kiếm, Hòn Thỏi Mực, Núi Bảng… đã phát thịnh sinh ra nhiều tướng tài có công lao với đất nước và xây dựng được nền văn hiến của đất này. Núi Cờ (còn gọi là núi Động Đình) có khu mộ Nguyễn Hội do hổ táng. Nguyễn Hội là thân sinh của Thái Uý Cương quốc công Nguyễn Xí - Công thần khai quốc triều Lê. Các bia đá còn lại đến ngày nay ở đền thờ Nguyễn Xí ( Nghi Hợp). Có Đền thờ thái uý quận công Nguyễn Sư Hồi. Ngoài ra còn có các văn sỹ tiêu biểu như: Hoàng Giáp Phạm Nguyễn Du ở Đặng Điền, đậu tiến sỹ năm 1779; Hương cống hội thi trúng tâm trường Phùng Thời Tá ở Thu Lũng (Nghi Thu); Tiến sỹ Nguyên Huy Nhu ở làng Vạn Lộc, đậu năm 1916, Phó bảng Hoàng Văn Cư ở Vạn Lộc, đậu năm 1904; Phó bảng Vũ Văn Cầu ở Nghi Thu, đậu năm 1862; Về y học có: Chánh Ngự y Phạm Văn Dụ; Danh y Hoàng Nguyên Cát, Thái ngự y Hoàng Nguyễn Lễ …
Ngày nay, người dân Cửa Lò vẫn phát huy được truyền thống cha ông " Văn dành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học chưa nơi nào sánh kịp" với rất nhiều nhà khoa học, văn nghệ sỹ, tướng lĩnh nổi danh khắp Đất nước.
Comments[ 0 ]
Post a Comment